I. Trước ngày lên đường 1. Các giấy tờ quan trọng: – Giấy tờ tùy thân: Hộ chiếu + Chứng minh thư nhân dân – Bộ hồ sơ tài chính khi xin visa (phục vụ mục đích xin học bổng vùng sau này) – Bộ hồ sơ được trả lại sau khi nộp xin visa bao gồm cả thư mời nhập học, bằng tốt nghiệp, quyết định trao học bổng (nếu có), v.v… (Lưu ý: thời hạn cấp visa Ý tối đa là 364 ngày, sau khi visa hết hạn stay permit sẽ có hiệu lực như visa, vậy nên các bạn sinh viên quay lại Ý sau khi visa hết hạn luôn phải mang stay permit – permesso di soggiorno cùng hộ chiếu) 2. Hành lý nên chuẩn bị – Ổ cắm đa năng và bộ chia ổ – Vật dụng cá nhân: bàn chải, khăn mặt, kem đánh răng Các bạn nữ nên mang theo vật dụng cá nhân cần sử dụng mỗi tháng – Thuốc cảm, thuốc đau bụng, thuốc ho, đau đầu – Quần áo (đồ mặc đi học, chú ý đồ mặc ở nhà nên có vài bộ ấm áp để tiết kiệm tiền sưởi cho mùa đông, ít nhất 1 bộ đồ dành cho các dịp trang trọng, và 1 đôi giày thể thao loại tốt). – Một số loại gia vị, có thể mang một ít hạt giống rau gia vị – Ảnh thẻ to nhỏ đủ kích thước – Một ít tiền mặt – Một vài loại đồ khô (không cần mang mì gói vì hầu hết các thành phố đều có chợ châu Á) 3. Tham khảo nhà ở: có 3 hình thức phổ biến nhất: homestay, ở ký túc xá và thuê nhà riêng – Đối với homestay: Người Ý tương đối kỹ tính và rất sạch sẽ trong sinh hoạt, vì vậy thông thường người Ý không thích host người lạ ở trong nhà, nếu có thì giá cả cũng tương đối cao (khoảng trên dưới 400euro/bạn ở phòng đơn, đối với các thành phố nhỏ). Với các bạn đi miền Nam, người dân nhiệt tình và cởi mở hơn, các bạn có thể dễ dàng tìm được homestay hơn với giá dễ chịu hơn (khoảng 300 euro). Tuy nhiên khác biệt văn hóa, nếp sinh hoạt và thói quen ăn uống có thể khiến bạn thấy khó thích nghi. Môi trường homestay thích hợp với các bạn đã học tiếng Ý hơn vì người Ý hầu như không nói tiếng Anh. – Ở ký túc xá: khác với các nước khác, ký túc xá ở Ý rất rẻ (có những campus giá thuê chỉ trên 100 euro), nhiều loại phòng từ phòng đơn cho tới phòng đôi, nhưng quản lý khá lỏng lẻo. Ký túc xá thường không nằm trong khuôn viên trường bởi ký túc xá thuộc quyền quản lý của cơ quan cấp học bổng vùng. Chính vì vậy, ở một thành phố có thể có nhiều ký túc xá khác nhau, dành cho sinh viên của nhiều khoa, nhiều trường, với sinh viên thuộc nhiều chuyên ngành, nhiều quốc gia – Thuê nhà riêng: đối với sinh viên thích ở một mình độc lập, có thể thuê monolocale (căn hộ khép kín) hoặc bilocale (căn hộ 1 phòng ngủ), giá thuê thông thường sẽ cao gấp rưỡi tiền phòng trong 1 căn hộ nhiều phòng ngủ. Phổ biến hơn có hình thức thuê một phòng (đơn hoặc đôi) trong 1 căn hộ. Các bạn có thể ký hợp đồng nhà thông qua môi giới nhà đất (thường nhà rất mới, đẹp và sạch sẽ) với phí dịch vụ = một tháng tiền nhà + 22% VAT + tiền đặt cọc (tối đa 2 tháng tiền nhà). Có nhiều trường hợp sinh viên thuê cả nhà, điện nước đã có đường dây/ông đầy đủ, nhưng người thuê nhà phải tự mở hợp đồng điện nước (chi phí khoảng 70 eu + thời gian đi lại làm thủ tục). Phương án này thích hợp cho các bạn muốn thuê nguyên căn hộ lâu dài từ 2 năm trở lên. Nếu các bạn không có yêu cầu quá cao về điều kiện nhà ở, các bạn có thể tham khảo thuê nhà từ các cá nhân. Thuận tiện nhất là tìm kiếm offer trên hội nhóm facebook (affitti student + tên thành phố), bakeca.it, easystanza.it, subito.it, idealista.it, v.v… Các bạn cũng nên lưu ý, khu vực quanh nhà ga tàu hỏa ở bất kì thành phố nào cũng là khu vực phức tạp, nếu có thể, các bạn không nên thuê nhà quá gần ga. Các bạn có thể liên hệ với chủ nhà (thông qua email hoặc whatsapp để hẹn lịch đến xem nhà ngay khi tới nơi, hoặc nhờ người quen đi xem hộ) II. Những ngày đầu tiên 1. Những giấy tờ cần chuẩn bị ngay Đầu tiên các bạn có thể mua SIM. Ở Ý có 4 nhà mạng di động lớn là WIND, Tim, Vodafone và 3. Các bạn có thể tham khảo các gói như All inclusive hoặc all inclusive under 30 của WIND với giá 12euro hoặc 9 euro để được gọi miễn phí nội địa và 500 tin nhắn cùng 5 GB tốc độ cao. Theo luật, người nhập cư vào Ý với thời gian lưu trú trên 90 ngày (visa loại D) phải nộp hồ sơ xin stay permit trong 8 ngày kể từ ngày nhập cảnh. – Sinh viên sau khi ổn định nơi ở, phải lập tức đến Agenzie delle Entrate gần nơi mình sống để xin mã số thuế (Codice Fiscale). Mã số thuế sinh viên nhận được khi đăng ký học chỉ là mã số tạm tính, do trường tính hộ, không có giá trị pháp lý. – Khi đi sinh viên mang theo tờ điền mẫu (xem file Codice fiscale), tới nơi lấy số rồi xin form (modulo) điền theo tờ mẫu, nộp, lấy chữ ký đóng dấu rồi cầm về. Sinh viên có thể được cấp dưới dạng thẻ hoặc tờ A4 có chữ ký, dấu tươi và mã vạch. Sinh viên phải cất cẩn thận vì các năm sau vẫn cần photo để xin gia hạn stay permit. – Khi đã có codice fiscale, sinh viên lên trường hỏi thủ tục đóng tiền học (first rate – prima rata) và/hoặc thuế vùng (tasse regionale). Các sinh viên được học bổng sẽ được hoàn trả lại tiền sau. Thư ký trường sẽ cho sinh viên phiếu điền, điền xong cầm lên bưu điện (poste) để đóng tiền học. Cũng tại bưu điện sinh viên có thể lấy luôn bộ kit để xin stay permit. Sau khi đóng tiền xong, sinh viên cầm biên lai về nộp lại trường, thông thường trường sẽ photo và trả lại biên lai hoặc cắt 1 trong ba cuống để lưu trữ, sinh viên phải giữ giấy biên lai này để hoàn thành hồ sơ xin stay permit – Khi đã nộp tiền, sinh viên có thể yêu cầu trường xuất “Certificato di iscrizione” (chứng nhận nhập học) – Điền form xin thẻ cư trú (Xem Hồ sơ mẫu Permesso di Soggiorno – Modulo 1) – Khi mang bộ kit xin thẻ cư trú lên bưu điện để nộp, sinh viên có thể mua luôn bảo hiểm tại đây. Có 2 mức bảo hiểm phổ biến nhất, 1 là mức 98 euro/năm (chỉ dùng trong các trường hợp cấp cứu) và mức 150 euro/ năm (có bác sĩ gia đình). – Sau khi đã chuẩn bị xong mọi giấy tờ, ổn định việc học tập và nơi ở, sinh viên có thể mở 1 tài khoản ở Ý (Unicredit có thẻ phí duy trì = 0 cho sinh viên dưới 30 tuổi, hoặc thẻ postepay/bancoposte/evolution phí duy trì chỉ 10 euro/năm). Sinh viên chỉ bỏ từ vài chục đến vài trăm euro vào thẻ này, chuyên dùng để đi chợ, mua hàng online, v.v… phòng trường hợp bị mất thẻ, bị đánh cắp tài khoản hoặc bị khóa thẻ. Tiền học bổng nên giữ trong một tài khoản khác. 2. Những ngày đầu đi học – Như mọi nền giáo dục tiên tiến khác, Ý chú trọng vấn đề tự học. Người giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình học, còn kiến thức các bạn đều phải tự cóp nhặt. – Khuyến khích các bạn nên đi học đầy đủ, bởi thông thường với những sinh viên nghỉ quá 25% số buổi, trường sẽ coi bạn là sinh viên part time, nhiều trường hợp bạn có thể bị mất học bổng. Kể cả trong trường hợp không bị mất học bổng, khi đi thi bạn có thể gặp khó khăn hơn, vì số sách mà sinh viên part time phải đọc có khi nhiều gấp đôi số sách mà sinh viên fulltime phải đọc. – Sinh viên Việt Nam thường gặp khó khăn khi học ở nước ngoài do chưa quen phương pháp. Một số chia sẻ sau đây có thể sẽ có ích với các bạn: + Tuyệt đối không nên nghỉ buổi học đầu của tất cả các môn, bởi trong buổi học này giáo viên sẽ đưa ra lộ trình, tài liệu học, phương pháp nghiên cứu và cách thức thi + Sách ở Ý rất đắt đỏ, các bạn có thể mượn sách của thư viện, mua sách cũ trên amazon hoặc tìm các nhóm mua bán sách cũ trên facebook (từ khóa: scambi libri + tên trường), sau khi dùng xong các bạn nếu giữ cẩn thận vẫn có thể bán lại. + Mỗi giáo viên đều có orario di ricevimento tức là giờ tiếp sinh viên, mỗi tuần giáo viên sẽ tiếp sinh viên từ 1-3 giờ. Tuy nhiên giờ tiếp sinh viên này thường dành cho các bạn đến thảo luận về đề tài và luận văn tốt nghiệp chứ rất ít giáo viên dùng thời gian này để giải thích các kiến thức liên quan đến bài học trên lớp cho sinh viên. Các bạn có thể tổ chức học nhóm, chia sẻ vở ghi, viết mail cho giáo viên nếu cần thiết. + Nội dung thi thường không có giới hạn, các bạn cần phải đọc hết sách có trong list sách mà giáo viên yêu cầu. Việc tự học và tự hệ thống kiến thức từng môn từ đầu năm học là cần thiết để cuối năm các bạn không bị ngập trong các bài cần ôn + Điểm qua môn là 18/30, sinh viên chưa hài lòng với điểm số có thể từ chối để thi lại. Sinh viên có thể thi lại nhiều lần mà không phải học lại môn cũng như không phải đóng tiền thi lại. + Một năm có 4 đợt thi, chia vào các mùa xuân hạ thu đông, tùy trường mà thời gian thi sẽ dao động trong các tháng khác nhau. Để đăng ký thi, sinh viên phải đợi thông báo, khi có thông báo trong trang cá nhân của sinh viên sẽ có mục đăng ký thi, chọn môn thi, ngày giờ thi và lấy số thứ tự để hoàn tất việc đăng kí. + Đối với sinh viên cần tích lũy tín chỉ để xin học bổng, các bạn nên chú ý đến các môn tự chọn, lấy điểm đạt và tín chỉ. 3. Đi lại – di chuyển, du lịch – Đối với các bạn ở xa trường, các bạn nên làm thẻ bus theo tháng/kỳ học. Ở những thành phố đồng bằng ít dốc, các bạn có thể mua xe đạp để thuận tiện di chuyển. Hãy nhớ mua cả khóa xe để bảo quản phương tiện của mình cho tốt nhé. – Những chuyến du lịch luôn mang lại cho các bạn những trải nghiệm đáng nhớ. Nước Ý được thiên nhiên ưu đãi vô cùng, ngoài các điểm đến du lịch nổi tiếng, các bạn nên đến thăm cả những ngôi làng nhỏ, suối nước nóng, vịnh ven biển, cắm trại, cưỡi ngựa xuyên rừng, v.v… – Ở Ý các bạn có thể di chuyển bằng tàu (đặt vé trên Trenitalia), bằng bus liên tỉnh, flixbus, và car sharing (blablacar) – Mùa du lịch cao điểm ở Ý là tháng 8. Các bạn có thể tận dụng cơ hội này để làm thêm bởi rất nhiều nơi cần tuyển nhân viên thời vụ – Ngoài ra các dịp như Giáng sinh, Phục sinh cũng là những dịp người Ý đi du lịch nhiều. – Nếu các bạn đi nhóm đông, có thể đặt vacation house, thuận tiện, thoải mái và sau khi share ra giá tương đối rẻ.