Vấn nạn du học sinh Việt đi thuê nhà tại Úc
Việc thuê mướn nhà ngắn hạn ở Úc rất phổ biến, đặc biệt là với các bạn du học sinh. Du học sinh sang Úc ở giai đoạn còn đang thích nghi với cuộc sống mới, nhiều bạn không nắm rõ luật nước sở tại cũng như những nghĩa vụ và quyền lợi giữa chủ nhà và người thuê nhà. Nhiều trường hợp thuê nhà không như ý khi chủ nhà cư xử trái luật, bắt nạt, hiếp đáp các bạn sinh viên hay tệ hơn là lợi dụng và lấy mất tiền cọc của các bạn một cách vô lý. Ở hầu hết những trường hợp mâu thuẫn giữa chủ nhà và sinh viên, phần lớn thiệt thòi thuộc về sinh viên. Chính vì vậy, các bạn cần nắm rõ về các điều luật cũng như bảo hiểm, phúc lợi khi du học Úc.
Trên các trang mạng hội sinh viên Việt Nam ở Úc, thi thoảng lại có các bạn sinh viên chia sẻ câu chuyên đi thuê nhà bị chủ nhà ức hiếp, bắt nạt.
Lam cho biết mình lên trang Facebook Hội Sinh Viên để tìm nhà. Sau đó, một người phụ nữ là chủ nhà đã chủ động liên lạc mời bạn đến xem nhà kèm theo những hứa hẹn ‘đường mật’ rằng ‘cô dễ tính lắm’, ‘cô nấu ăn rất ngon nên thỉnh thoảng cô sẽ nấu cho con ăn’.
Không được tắm quá 8 phút, không được ăn trước 10h tối
Sau khi dọn vào một thời gian, Lam mới vỡ lẽ những lời nói của cô chủ nhà chỉ là lời nói gió bay.
Mỗi khi Lam tự nấu ăn xong, chủ nhà miễn cưỡng chừa chỗ trong tủ lạnh cho Lam và bắt bạn phải lau dọn thật kỹ toàn bộ nhà bếp, ngay cả bạn chỉ sử dụng một khu vực nhỏ trong bếp.
‘Bộ bếp gas có 6 chỗ, mình chỉ dùng đúng 1 chỗ thôi. Những mỗi sau khi mình nấu xong, chủ nhà bắt mình lau hết toàn bộ những khu vực trong bếp mà mình chưa hề đụng đến. ‘
Vì thời gian mình vừa phải nấu ăn, rửa chén và vừa phải dọn dẹp tất tần tật những thứ cô ấy muốn kỹ như vậy nên mình bị mất đến 1,5 tiếng mỗi ngày để làm hết tất cả những thứ đó.’
Lam muốn dành nhiều thời gian để học hơn. Sau khi thử ăn ngoài một thời gian chi phí quá tốn kém, bạn trả tiền đặt chủ nhà nấu cơm mỗi ngày cho mình.
‘Mình đã nghĩ ừ thôi mình trả tiền cho cô ấy nấu ăn . Cô cũng đồng ý mình không cần làm gì cả thì mình sẽ tiết kiệm thời gian được. Mình đã rất hy vọng.
Vậy mà khi cô nấu ăn cho mình xong, tô cơm to bằng tô phở mà phần cơm chiếm hết 3/4, còn thịt chỉ vài miếng thôi, và hoàn toàn không có rau nên rất là ngán.
Mình hỏi xin cô cho thêm rau thì cô bảo rằng đã giúp cho mà còn đòi hỏi quá. Và cô chỉ cho mình ăn lúc 10, 11 giờ khuya chứ mình không được ăn sớm hơn.’
Trả tiền nhà, thêm tiền nấu ăn, Lam nghĩ rằng mình sẽ có thêm thời gian để học và làm những chuyện khác. Nhưng chủ nhà nói với Lam cô đang giúp đỡ cho bạn và bắt Lam ‘đóng góp thêm’ bằng cách lau dọn nhà bếp.
‘Mình cũng thấy ức vì mình đã trả tiền rồi, và ban đầu cô cũng nói sẽ không cần phải làm gì cả. Nhưng khi mình không làm thì cô lại bảo tại sao con lại vong ơn như vậy.’
Lam cho biết, bạn ở Sunshine trả $160/tuần bao bill nhưng chủ nhà vô cùng keo kiệt và tìm mọi cách bắt bạn hạn chế mọi sinh hoạt.
Chủ nhà lên lịch cho Lam chỉ tắm 2 đến 3 lần/ tuần và mỗi lần không được tắm quá 8 phút.
‘Mỗi lần mình tắm quá 8 phút là cô chủ nhà sẽ gõ cửa và nói ‘sao con tắm lâu quá vậy, tắm ít thôi, không là cô cắt nước.’
‘Có hôm vào mùa đông nên mình không tắm ba ngày. Đến ngày thứ tư, mình thấy người bẩn quá nên đi tắm. Cô nhìn thấy liền vặn vẹo ‘Ủa? Hôm nay là ngày không tắm mà con lại tắm?’
Mình cảm thấy câu hỏi của cô quá ư là vô lý . Mình không muốn vô lễ với cô ấy nhưng cô làm khó mình quá nên mình cảm thấy khó chịu.’
Vào mùa đông, trời lạnh, nhà không có máy sưởi. Khi ngỏ ý dùng mền điện, chủ nhà không đồng ý và doạ sẽ đuổi bạn khỏi nhà.
Về việc giặt giũ, Lam kể rằng chủ nhà thường xuyên canh chừng, thậm chí nhiều lần cố tình dùng máy giặt liên tục để bạn không giặt đồ kịp.
‘Có đợt bực nhất là mình hỏi xin giặt trước ba ngày vì mình rất cần giặt. Trong ba ngày đó, mình cố gắng xịt dầu thơm lên đồ cho đỡ mùi.
Đến ngày giặt, mình vừa đi làm về thì cô chủ lật đật đem đồ bỏ vào máy giặt. Lúc đó mình hiểu là thôi mình không giặt kịp hôm nay rồi.’
Wifi ở nơi Lam ở đều bị ngắt mỗi ngày sau 10 giờ 30 tối. Thời gian đầu dọn vào, Lam thường xuyên bị ngắt wifi khi đang nộp bài nửa chừng lên trang mạng của trường mà không hiểu tại sao.
Sau bốn tháng, chủ nhà mới cho Lam biết họ cắt wifi để quản lý giờ ngủ của con mình.
Sau nhiều vấn đề nảy sinh, Lam quyết định dọn đi, báo trước với chủ nhà một tháng theo thỏa thuận như hợp đồng.
Suốt thời gian đó, chủ nhà tiếp tục hoạnh họe làm khó bạn, mang tiền bond ra gấy áp lực để bắt bạn lau dọn và phàn nàn về giờ giấc sinh hoạt của bạn.
Khi được hỏi Lam có tâm sự với ai không, bạn kể mình có tâm sự với gia đình và bạn bè nhưng vì sợ sẽ mất tiền bond nên Lam cũng không phản đối gì.
Suýt mất tiền bond vì không làm hợp đồng
Một trường hợp khác của du học sinh tên Sương Mai ở Melbourne kể về một kỷ niệm thuê nhà ‘nhớ đời’.
Qua trang Hội Sinh viên, Sương Mai tìm được một nơi cho thuê nhà của chủ nhà đồng hương và cô này cho biết mình là giáo viên dạy văn.
Sau khi đặt cọc một tháng tiền nhà chờ đến ngày vào ở, Sương Mai tình cờ gặp những người bạn trước đây từng ở nhà này và cho bạn biết nơi ở này không ổn. Mai cuống quýt liên lạc xin chủ nhà cho lấy lại tiền cọc nhưng chủ nhà không đồng ý.
Sương Mai cho biết bạn thấy hối hận vì mình quá cả tin, chỉ nhận giấy viết ký nhận bằng tay lúc trao cọc chứ không làm hợp đồng.
Suốt năm lần bảy lượt, chủ nhà đều dùng lời lẽ nặng nhẹ không muốn trả lại tiền cọc cho Mai. Ngay cả khi Mai đã tìm được người mới đến thuê thay cho mình và người mới đưa cọc cho chủ nhà, Mai vẫn không lấy lại được tiền cọc của mình.
‘Cô cứ nhất quyết cứ dùng dằng không trả lại tiền bond cho mình. Cô cứ hẹn mình là chiều tới, rồi khi mình tới thì cô không có nhà . Cô lại bảo mình tối đến, rồi mình đến cô lại bảo cô không có ở đấy.
Khi mình đi cùng bạn đến xin lại tiền nhà và bảo sẽ báo cảnh sát, cô ấy còn thách thức chúng mình và nói rằng chẳng ai thèm quan tâm đâu. Cô còn rất nặng lời, bảo chúng mình là bọn mất dạy.’
Với Mai, khoản tiền bond đến một ngàn đô là một khoản tiền rất lớn với một du học sinh ở xứ người. Mai cầu cứu đến một người quen là dân địa phương.
‘Khi mình kể cho bác ấy nghe chuyện này, bác ấy bảo vì giấy xác nhận tiền bond không phải hợp đồng và viết bằng tiếng Việt nên rất khó để cơ quan chức năng ở đây giải quyết.
Thế là mình đành năn nỉ bác ấy đi cùng mình đến nhà cô chủ nhà kia xin lại tiền cọc. Nhờ vậy mà mình lấy lại được tiền cọc.’
Du học sinh cần biết gì khi thuê nhà?
Trong hai câu chuyện vừa nghe, chúng ta đều thấy rằng du học sinh ở vị trí của người thuê nhà đều có những quyền lợi tối thiểu trong việc sử dụng tiện ích trong nhà, việc thanh toán hay nhận lại bond, vv.
Tuy nhiên, do các bạn không rõ ràng trong khâu làm hợp đồng ban đầu, cũng như tính cả nể cam chịu mà rất nhiều sinh viên phải thuê nhà trả tiền mà phải chịu đựng sự đối xử bất công của chủ nhà.
Hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi đi thuê nhà là điều vô cùng quan trọng để giúp các bạn tránh bị bắt nạt, lợi dụng :
-
Khi thuê nhà, tốt nhất nên yêu cầu chủ nhà làm hợp đồng thuê nhà, trong đó nêu rõ cách tính bills (đã bao gồm trong giá thuê hay chưa, nếu bao gồm thì bao gồm tất cả hay chỉ có bill nước, internet mà không có điện…), hợp đồng cũng nêu rõ thời gian ở tối thiểu, muốn chuyển ra thì báo trước bao lâu.
-
Yêu cầu có bảng mô tả về hiện trạng ngôi nhà hoặc căn phòng lúc bạn nhận nhà, nhận phòng. Dựa vào bản mô tả này, kiểm tra và so sánh với thực tế, ghi chú thật chi tiết về các sai biệt (nếu có), chẳng hạn như có bao nhiêu đinh móc ở trên tường, sàn nhà bị bong tróc ở chỗ nào, các vòi nước có khóa chặt không, các ổ điện có hoạt động bình thường không.
-
Nếu được, hãy dành thời gian chụp ảnh lại tất cả những chỗ hỏng hóc này, gửi email báo cho chủ nhà biết và lưu lại cho mình một bản riêng có chữ ký của các bên. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng bị chủ nhà đòi thêm tiền sửa chữa cho những hư hỏng đã có từ trước.
-
Nếu bạn chia phòng với một hoặc vài người khác, nên hỏi rõ chủ nhà về số chìa khóa phòng và chìa khóa nhà cho mỗi người. Có một số trường hợp, vì quy định an ninh của tòa nhà, bạn không thể tùy tiện đi cắt thêm chìa khóa để giữ riêng mỗi người một bộ và điều này có thể bất tiện cho bạn.
-
Chọn cách đặt tiền cọc, đóng tiền thuê nhà qua tài khoản. Nếu đóng bằng tiền mặt, yêu cầu chủ nhà viết biên nhận cho mình mỗi lần thanh toán.
-
Các thỏa thuận với chủ nhà tốt nhất nên được ghi cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng thuê nhà, hoặc ít nhất là được lưu lại trong email hoặc tin nhắn điện thoại.
-
Hợp đồng nên là tiếng Anh hoặc song ngữ Việt-Anh. Hợp đồng in thành nhiều bản giữa chủ nhà và người thuê nhà.
-
Nếu các bạn trong nhà phân công làm vệ sinh, bạn cần có lịch trình cụ thể cho từng người. Khi hỏng hóc đồ đạc trong nhà hoặc thành viên trong nhà vi phạm nội quy, bạn cần báo cho chủ nhà xử lý
-
Chủ nhà không được quyền kiểm tra đột xuất phòng/ nhà ( nếu chủ nhà ở riêng) mà không có thông báo trước 24 giờ.
Theo SBS.